Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

BÀ MẸ 8 LẦN NÓI DỐI

Thuở nhỏ, gia đình cậu bé rất nghèo. Tới bữa, chẳng mấy khi có đủ cơm ăn, mẹ liền lấy cơm ở trong chén mình chia đều cho các con. Mẹ bảo: Các con, ăn nhanh đi, mẹ không đói! Mẹ nói câu nói dối đầu tiên!

Khi cậu bé lớn dần lên, người mẹ tảo tần lại tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, đến những vùng đầm hồ ven đô bắt cá về cho con ăn cho đủ chất. Cá rất tươi, canh cá cũng rất ngon. Khi các con ăn thịt cá, mẹ lại ngồi một bên nhằn đầu cá. Lấy lưỡi mà liếm những mảnh thịt sót lại trên đầu cá. Cậu bé xót xa, liền gắp miếng cá trong bát mình sang bát mẹ. “Mẹ không ăn”, lại dùng đũa gắp trả miếng cá về bát cậu bé. Mẹ bảo: Con trai, con ăn đi, mẹ không thích ăn cá. Mẹ nói câu nói dối thứ hai.

Lên cấp 2, để nộp đủ tiền học phí cho cậu bé và anh chị. Vừa làm thợ may, mẹ vừa đến Hợp tác xã nhận vỏ hộp diêm về nhà ngồi cặm cụi mà dán vào mỗi tối, để kiếm thêm chút tiền chi tiêu cho gia đình. Một buổi tối mùa đông, nửa đêm cậu bé tỉnh giấc. Thấy mẹ vẫn còng lưng dán vỏ bao diêm bên cạnh chiếc đèn dầu. Cậu bé nói: Mẹ à, mẹ đi ngủ thôi, sáng ngày mai mẹ còn phải đi làm nữa mà. Mẹ cười nhẹ: Con trai, đi ngủ đi. Mẹ không buồn ngủ! Mẹ lại lần thứ ba nói dối.
Ngày thi vào trung học, mẹ xin nghỉ làm. Ngày nào cũng đứng ở cổng trường thi, làm chỗ dựa tinh thần cho cậu bé đi thi. Đúng vào mùa hạ, trời nắng khét tóc. Người mẹ nhẫn nại đứng dưới cái nắng hè gay gắt chờ con suốt mấy tiếng đồng hồ. Tiếng chuông hết giờ đã vang lên. Mẹ nghiêng người đưa cho cậu bé bình trà đã được pha sẵn, dỗ dành cậu bé uống, bình trà nồng đượm nhưng tình mẹ còn nồng đượm hơn. Nhìn thấy bờ môi khô nẻ và khuôn mặt lấp lánh mồ hôi của mẹ, cậu bé liền đưa bình trà trong tay mời mẹ uống. Mẹ bảo: Con uống nhanh lên con. Mẹ không khát! Mẹ nói dối lần thứ tư.
Sau khi Cha lâm bệnh qua đời, Mẹ vừa làm Mẹ vừa làm Cha. Vất vả với chút thu nhập ít ỏi từ nghề may vá. Ngậm đắng nuốt cay nuôi con ăn học, cái khổ không lời nào kể xiết. Có chú Lý ngồi sửa đồng hồ dưới chân cây cột điện đầu ngõ biết chuyện. Việc lớn việc nhỏ chú đều tìm cách qua giúp một tay. Từ chuyển than, gánh nước, giúp ít tiền cho gia đình cậu bé tội nghiệp. Con người chứ đâu phải cây cỏ, lâu rồi cũng sinh tình cảm. Hàng xóm láng giềng biết chuyện đều khuyên mẹ tái giá, việc gì phải một mình chịu khổ thế. Nhưng qua nhiều năm mẹ vẫn thủ thân như ngọc, kiên quyết không đi bước nữa. Mọi người có khuyên nhưng mẹ kiên quyết không nghe. Mẹ bảo: Mẹ không yêu chú ấy. Mẹ nói dối lần thứ 5.
Sau khi cậu bé và các anh chị cậu tốt nghiệp đại học đi làm. Mẹ nghỉ hưu rồi nhưng vẫn tiếp tục làm những việc lặt vặt ở chợ để duy trì cuộc sống. Các con biết chuyện thường xuyên gửi tiền về để phụng dưỡng mẹ. Mẹ kiên quyết không nhận, tất cả tiền con gửi về mẹ đều gửi trả. Mẹ bảo: Mẹ có tiền mà! Mẹ nói dối lần thứ 6.
Cậu bé ở lại trường dạy 2 năm, sau đó thi đỗ học bổng học thạc sĩ ở một trường đại học danh tiếng của Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, cậu ở lại làm việc tại một công ty nghiên cứu máy móc. Sống ở Mỹ một thời gian, khi đã có chút điều kiện. Cậu bé muốn đưa mẹ qua Mỹ sống để phụng dưỡng mẹ tốt hơn. Nhưng lại bị mẹ từ chối. Mẹ bảo: Mẹ không quen! Mẹ nói dối lần thứ 7.
Nhiều năm trôi qua, mẹ lâm trọng bệnh, phải vào viện điều trị. Khi con trai đáp máy bay từ nơi xa xôi về thăm mẹ, mẹ già đi nhiều và yếu quá rồi. Nhìn mẹ bị bệnh tật dày vò đến chết đi sống lại. Thấy con trai đau đớn vì thương xót mẹ, mẹ lại bảo: Con trai, đừng khóc, mẹ không đau đâu! Đấy là lần nói dối cuối cùng của Mẹ.(sưu tầm)

NHỮNG ĐIỀU CHÚNG TA CẦN NÊN BIẾT

Mời Các bạn hãy đến với địa chỉ www.kinhdoanhdulich4khoa7.blogspot.com với những câu chuyện, những triết lí, những ca khúc rất hay và thấm đượm tình người.



MR. NGUYỄN HỮU KHÁNG
CALL: 0947584312 - 0932940809

HÃY SỐNG HẾT LÒNG VỚI NHAU

KIÊN TRÌ - ĐIỀU BÍ MẬT NHẤT THẾ GIỚI


Tôi sẽ kiên trì theo đuổi mục tiêu cho đến khi thành công.
Ở Tây Ban Nha, người ta thường thử đởm lược của mỗi con bò rừng bằng cách để nó tấn công vào những người đấu bò. Mỗi lần tấn công, con bò bị phóng một mũi gươm nhọn bén. Giá trị và đởm lược của con bò được định lượng bằng số lần con bò cố gắng tiếp tục tấn công dù bị đau đớn vì những mũi gươm.
Tôi hiểu rằng mỗi ngày tôi đều bị thử thách trong đời sống giống như con bò bị định giá. Và nếu tôi tiếp tục tấn công, tiếp tục cố gắng, tiếp tục đi tới, tôi sẽ thành công.
Tôi sẽ kiên trì theo đuổi mục tiêu cho đến khi thành công.
Tôi không sinh ra trên đời này để là một thất bại; trong giòng máu tôi, không có sự thua cuộc. Tôi không phải là một con trừu đợi người chăn thúc dục. Tôi là một con sư tử và tôi từ chối không nói, không đi, không ngủ với đám trừu. Tôi sẽ từ chối không nghe những người hay than khóc và chê trách, vì họ là một loại vi trùng dễ lây. Hãy để họ sống với đám trừu. Lò sát sinh của thất bại không phải là định mệnh của đời tôi.
Tôi sẽ kiên trì theo đuổi mục tiêu cho đến khi thành công.
Phần thưởng của đời sống thường đợi ta ở cuối chặng hành trình, không ở những nơi gần chỗ khởi hành; và tôi không biết là phải mất bao nhiêu bước nữa, mới đến nơi định đến. Do đó, tôi có thể vẫn bị thất bại ở bước thứ mười ngàn, nhưng thành công chỉ đợi ở khúc quanh sắp tới. Tôi sẽ không bao giờ biết là tôi có đến gần thành công ra sao, nếu tôi không tiếp tục bước đến chỗ quẹo.
Tôi sẽ luôn luôn bước thêm một bước nữa. Nếu chưa đến đâu, tôi lại bước một bước mới, rồi một bước nữa. Trong thực tế, bước một bước mỗi một lần, không có gì khó khăn lắm.
Tôi sẽ kiên trì theo đuổi mục tiêu cho đến khi thành công.
Từ hôm nay, mỗi một cố gắng trong ngày của tôi là một vết chém của gươm tôi trên thân cây cổ thụ. Vết chém đầu sẽ không suy chuyển một chút gì, và vết chém thứ hai, thứ ba cũng vậy. Mỗi một vết chém coi rất tầm thường, như không ảnh hưởng gì đến cây cổ thụ. Nhưng lần lượt, rồi lần lượt, ngày qua ngày, cây cổ thụ sẽ gục ngã. Mỗi cố gắng trong ngày của tôi cũng vậy.
Tôi sẽ giống như những giọt mưa gọt mòn những tảng đất đá của núi cao; như những đàn kiến ăn trọn cả xác lớn của con cọp; như những tên nô lệ xây kim tự tháp.
Tôi sẽ xây cái lâu đài của tôi bằng từng viên gạch mỗi một lần đắp, bởi vì tôi biết rằng những cố gắng nhỏ nhoi, cứ liên tục ngày nối ngày, sẽ hoàn tất bất cứ mục tiêu nào.
Tôi sẽ kiên trì theo đuổi mục tiêu cho đến khi thành công.
Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc và sẽ gạch bỏ khỏi tự điển đời tôi những danh từ và ngôn ngữ như “chịu thua”, “không thể”, “không làm được”, “bất thành”, “thất bại”, “quá trễ”, “rút lui”, “vô vọng”: vì đây là chữ nghĩa của bọn ngu khùng.
Tôi sẽ tránh những tình thế thua nản làm mòn ý chí, nhưng lỡ nếu tâm trạng chán chường có xâm nhập vào trí óc của tôi, tôi sẽ chiến đấu và tiêu diệt nó.
Tôi sẽ nhẫn nại và tôi sẽ chịu đựng.
Tôi sẽ không để tâm đến những trở ngại dưới chân, vì mắt tôi lúc nào cũng nhìn về mục tiêu và cả trời trăng sao trên đầu.
Tôi hiểu rằng khi cát khô của sa mạc không còn, cỏ xanh sẽ mọc đầy trên đất tốt.
Tôi sẽ kiên trì theo đuổi mục tiêu cho đến khi thành công.
Tôi luôn luôn ghi nhớ định luật về xác suất, về tỷ lệ trung bình. Tôi sẽ theo đuổi công việc vì biết rằng mỗi lần thất bại là mỗi lần tôi có cơ may nhiều hơn để đến với thành công, trong lần cố gắng tới.
Mỗi một tiếng chối từ sẽ đem tôi đến gần hơn một tiếng ưng thuận.
Mỗi một nhíu mày chỉ sửa soạn cho tôi một nụ cười sẽ đến.
Mỗi một bất hạnh sẽ chứa đựng trong đó một mầm mống của hạnh phúc ngày mai.
Phải có đêm dài, mới thấy ngày đẹp.
Tôi sẽ thất bại nhiều lần, nhưng chỉ cần thành công một lần.
Tôi sẽ kiên trì theo đuổi mục tiêu cho đến khi thành công.
Tôi sẽ cố gắng, cố gắng và tiếp tục cố gắng.
Mỗi trở ngại chỉ là một chậm trễ trong cuộc hành trình và một thử thách cho công trình to lớn.
Tôi sẽ theo đuổi và tôi sẽ luyện mọi kỹ thuật như người thủy thủ rành nghề, biết luôn luôn học cách lái tàu ra khỏi những cơn bão lớn nhỏ.
Tôi sẽ kiên trì theo đuổi mục tiêu cho đến khi thành công.
Từ nay, tôi sẽ học và sử dụng một bí quyết nữa của các bậc cao nhân. Vào cuối ngày, dù ngày đó là một thành công hay thất vọng, tôi sẽ cố gắng thêm một lần nữa. Bằng một cố gắng mới. Khi thân thể tôi đã mệt mỏi, tôi sẽ chống cự mọi cám dỗ nghỉ ngơi. Tôi sẽ cố gắng thêm một lần nữa và nếu không thành công, tôi lại cố gắng trở lại. Bất cứ trong công việc gì, tôi sẽ không để một ngày chấm dứt bằng một thất vọng.
Với phương thức này, tôi đã gieo mầm cho sự thành công ngày mai. Những ai ngưng việc vào một thời điểm nhất định, sẽ không thể nào sánh kịp với cố gắng của tôi. Khi mọi người ngưng tranh đấu, cuộc chiến của tôi chỉ mới bắt đầu. Mùa gặt của tôi sẽ luôn luôn sung mãn.
Tôi sẽ kiên trì theo đuổi mục tiêu cho đến khi thành công.
Và tôi sẽ không để các thành công ngày hôm qua ru ngủ tôi trong thái độ lười biếng, bởi vì đây là công thức của hiểm họa.
Tôi sẽ quên những gì đã xảy ra cho một ngày đã qua, dù nó tốt hay xấu, và đón chào tia nắng mới với niềm tin rằng hôm nay sẽ là một ngày tốt đẹp nhất đời tôi.
Tôi còn thở được, tôi còn kiên trì theo đuổi mục tiêu. Bởi vì ngày hôm nay, tôi đã thấu hiểu được một định luật ngàn năm của thành công là: nếu tôi kiên trì cho đến cùng, tôi sẽ chiến thắng.
Tôi sẽ kiên trì!
Tôi sẽ chiến thắng!
Phan Thiên Ân
(nguồn: Dũng Lạc)

THƯ GỬI NGƯỜI CHA CHƯA BIẾT MẶT

(Dân trí) - Cha đến với cuộc đời mẹ như người khách bộ hành khát nước tạm dừng chân sau một chặng đường dài mệt lả. Rồi cha đi, hình hài con lớn dần trong bụng mẹ. Cha đi để lại mẹ và con với lời hứa "có trách nhiệm". Hai mươi năm qua, con sinh ra, lớn lên với lời hứa đó mà chưa một lần biết mặt cha. Người ta thường bảo, khi đứa trẻ bi bô tập nói thì từ mà chúng dễ nói nhất là "pa pa". Hẳn người làm cha nào cũng hạnh phúc khi được nghe những lời thân thương đó. Nhưng với con, ngày ấy con không biết nói từ đó, cho đến bây giờ cũng vậy, con chưa từng được gọi tiếng cha. Bởi đơn giản, con không được biết sự thiêng liêng của tình phụ tử. Cha trở về với tổ ấm của cha, với người phụ nữ đến cuộc đời cha trước mẹ. Mẹ không cướp cha khỏi gia đình ấy, mẹ chỉ xin một lần được san sẻ để có cho mình niềm hạnh phúc làm mẹ mà thôi. Xin đừng quy cho mẹ con cái tội phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Hơn ai hết con tự hào được sinh ra là con của mẹ. Cái lời hứa mà cha hứa, đối với mẹ, không phải là sự chu cấp tiền để nuôi con. Cái mẹ cần là tình yêu thương mà cha phải dành cho con. Vậy mà bao năm qua, ngay cả gương mặt của cha thế nào con cũng không được biết. Ngày con đi mẫu giáo, bạn bè trong xóm biết con là đứa trẻ không cha, có đứa ác mồm gọi là "đồ con hoang", có đứa nhẹ nhàng hơn chỉ dơ hai ngón tay "kẹt" ra không chơi với con nữa. Con khóc tức tưởi về nhà, quyết không đi học. Ngày ấy, mẹ ôm con vào lòng, con thấy mắt mẹ ướt nhòa đi. Mẹ đưa cho con tờ giấy khai sinh rồi chỉ cho con tên cha trong đó. Con tự hào lắm lắm, dẫu chưa biết chữ nhưng con nghĩ đó là cái gì thiêng liêng vô cùng. Con cầm tờ giấy đi khoe khắp xóm. Bọn trẻ ngốc hệt như con, cũng tin là con có cha rồi nên chơi với con liền. Chỉ có mẹ là con không hiểu nổi, sao bọn bạn chơi với con rồi mà mẹ vẫn nhìn theo con khóc mãi. Những ngày tháng sống không tình yêu thương của cha, con được chứng kiến bao lần mẹ leo lên mái nhà rọi lại hòn ngói để trận mưa đêm không ướt chỗ con nằm. Con được nhìn thấy mẹ tự tay sửa chữa điện đóm trong nhà, dẫu có lần mẹ hét lên sợ hãi khi tiếng nổ vang lên vì mẹ đấu nhầm dây. Ngay cả khi ấy, nhìn con mẹ vẫn mỉm cười. Mẹ cố gắng làm tốt vai trò của một người mẹ và gồng mình lên làm một người cha, dù mẹ biết, mẹ không thể nào giúp con gọi mẹ bằng cha được.


Cha biết không, con luôn tưởng tượng xem mình sẽ gặp cha trong hoàn cảnh nào và con sẽ ứng xử ra sao. Sau mỗi lần mơ mộng ấy con thường trở về với thực tại. Con biết con có thể sẽ gặp cha khi cha đang nằm trên giường bệnh, hoặc giả xấu hơn là ngày cha mất, con sẽ về thắp một nén nhang như để cảm tạ cái ơn sinh thành, chứ cha không hề có công dưỡng dục. Thực ra con hoàn toàn có thể tìm gặp cha, để thỏa cái ước mong biết được gương mặt của người đã cho con dòng máu đang nuôi cơ thể, một lần được gọi tiếng cha để biết giá trị thiêng liêng của nó. Nhưng để làm gì nhỉ? Cách sửa chữa sai lầm tốt nhất là quên đi sai lầm đó và cha đang làm thế với con. Vậy con tìm cha, há chẳng phải bắt cha phải thừa nhận sinh con ra là sai lầm của cha hay sao? Con hai mươi tuổi rồi cha ạ. Nếu một lúc nào đó, cha nhớ rằng mình còn một đứa con gái và muốn sửa chữa sai lầm bằng cách bù đắp cho nó thì cha hãy đến tìm con, cha nhé. Con hứa sẽ tha thứ, chỉ vì cha là cha con.
Chíp nhỏ (nguồn dantri.net)

 

LẠC QUAN

Chàng thanh niên nọ lúc nào cũng than vãn số mình không tốt, không thể giàu có được. Một ngày, một ông lão đi qua, nhìn thấy vẻ mặt ủ ê của anh bèn hỏi:

Chàng trai, sao trông cậu buồn thế, có việc gì không vui à?

Cháu không hiểu tại sao cháu làm việc chăm chỉ, vất vả mà vẫn nghèo. Chàng trai buồn bã nói.

Nghèo ư, cháu là một người giàu đó chứ?

Chưa ai nói với cháu như vậy cả, cháu rất nghèo.

Giả như ta chặt ngón tay cái của cháu, ta trả cháu 3 đồng tiền vàng cháu có đồng ý không?

Không ạ.

Giả như ta chặt một bàn tay của cháu, ta trả 30 đồng tiền vàng, cháu có chịu không?

Không bao giờ.

Vậy ta muốn lấy đi đôi mắt của cháu, ta trả cháu 300 đồng tiền vàng, cháu thấy thế nào?

Cũng không được.

Vậy ta trả cháu 3000 đồng tiền vàng để cháu trở thành ông lão như ta, già cả, lú lẫn được không?

Đương nhiên là không.

Cháu muốn giàu. Vậy ta sẽ đưa cho cháu 30,000 đồng tiền vàng để lấy đi mạng sống của cháu, cháu thấy thế nào?

Cháu cảm ơn ông! Cháu đã hiểu cháu cũng là một người giàu có.

Trong cuộc sống, rất nhiều người thường than thân trách phận mà không thực sự hiểu ra mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều người khác.

Bạn hãy xem:

Nếu sáng mai tỉnh dậy, cảm thấy mình khỏe mạnh, thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều người không còn cơ hội sống đến ngày mai.

Nếu bạn còn cảm nhận được vẻ đẹp của một ngày nắng mới, thì bạn đã hạnh phúc hơn hàng triệu người khác không may mắn được nhìn những vẻ đẹp giản dị của đời thường.

Nếu bạn chưa bao giờ phải trải qua sự tàn phá của chiến tranh, sự đơn độc, lạnh lẽo trong nhà tù, chưa bị đói rét rình rập, thì bạn đã hạnh phúc hơn 500 triệu người trên trái đất.

Nếu trong tủ lạnh nhà bạn có thức ăn, bạn có quần áo để mặc, có tiền để tiêu xài, thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều người nghèo đói vô gia cư trên thế giới.

Nếu bạn có tài khoản trong ngân hàng, thì bạn đã được xếp vào nhóm 8% những người giàu nhất thế giới.

Nếu bố Mẹ bạn vẫn còn sống, và sống vui vẻ hạnh phúc bên nhau, thì bạn thuộc số ít nhóm người hạnh phúc nhất trên thế giới.

Nếu trên khuôn mặt bạn lúc nào cũng nở nụ cười tươi tắn, bạn luôn cảm thấy lạc quan yêu đời, thì bạn là người vô cùng hạnh phúc bởi trên thế giới có rất nhiều người muốn lạc quan như bạn mà không được.

Nếu bạn được ôm người thân vào lòng hay được chia sẻ cùng họ những tâm sự của mình, thì bạn đã là người hạnh phúc hơn nhiều người khác không bao giờ nhận được tình yêu thương từ người khác.

Nếu bạn vẫn còn nhận được những lời chúc phúc từ những người xung quanh, thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều người cô đơn, không người thân thuộc.

Nếu bạn đọc được những dòng chữ này, thì bạn đã hạnh phúc hơn 2 tỷ người không thể đọc được trên thế giới.

Sau khi bạn đọc xong những dòng chữ này, bạn có thể nhìn lại mình qua gương và mỉm cười :" Hóa ra, mình cũng là một người giàu có và hạnh phúc".

CHUYỆN CÁI NÓN


Có ai trong chúng ta không một lần "chụp" lên đầu mình một cái nón? Từ lúc mới sinh ra, cha mẹ đã âu yếm đội cho ta cái nón vải be bé xinh xinh "cho nó khỏi lạnh cái mỏ ác".

Lớn hơn một chút, ta chạy nhảy tung tăng rong chơi trong vườn, trong công viên... cũng với cái nón trên đầu với lời nhắc nhở yêu thương: " Đội nón vô đi con, coi chừng cảm nắng...". Lớn hơn chút nữa, cắp sách đến trường hay đơn giản chỉ là chạy nhong nhong ngoài dường phố... vâng, cũng lại là cái nón - vật bất ly thân.

Và rồi gì nữa?... Một tà áo e ấp, một ánh mắt thẹn thùng thấp thoáng sau vành nón (lại nón!). Chiếc nón đi vào trong thơ ca, trong âm nhạc... "nghiêng nghiêng chiếc nón bài thơ...". Nón đi vào cuộc sống của chúng ta sâu đến mức chuyện đội nón lên đầu mỗi khi ra đường đã trở thành phản xạ, thói quen.

Có cầu ắt phải có cung, ở đất Sài Gòn này hình thành một làng nón, cha truyền con nối chỉ một nghề may nón suốt mấy mươi năm nay. Đùng một cái, mọi người buộc phải đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông...Chiếc nón vải đã trở thành kỹ niệm, làng nón đang đối mặt với nguy cơ phá sản.

Phải làm gì để tồn tại? Bình tâm lại sau cơn "choáng", những người thợ nón đã "phát minh" ra cái vành vải gắn vào chiếc nón bảo hiểm. Cái phát minh mới này đã góp phần cải tiến giúp che nắng hiệu quả hơn, "nữ tính" hoá cái nón bảo hiểm thô kệch và hơn tất cả, nó đã mở ra lối thoát cho làng nón.

Với hiệu quả "che chắn" cao, tiện lợi tháo lắp dể dàng đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong hai mùa mưa nắng, thị trường đã dang tay đón nhận sản phẩm mới. Không dừng lại ở đó, những người thợ... à không, bây giờ phải gọi là nghệ nhân mới đúng, "thừa thắng xông lên" tiếp tục cho ra lò chiêu mới: Bọc mũ bảo hiểm bằng nhiều chất liệu vải nhiều màu, nhiều kiểu hoa văn lạ mắt thay cho một màu sơn đơn điệu...

Vậy đó, cứ mỗi khi có khó khăn, thử thách thì sẽ xuất hiện những ý tưởng tích cực để vượt qua. "Cái khó ló cái khôn", ông bà ta dạy cấm có sai!
nguồn baihocthanhcong.com

BÀI HỌC CỦA MẸ


Mẹ cho dạy tôi bài học về sự LÔ GÍC… “Nếu con rơi xuống từ chiếc đu đó thì sẽ bị gãy cổ , khi đó con sẽ không được đi phố với mẹ đâu”

Mẹ tôi dạy cho tôi về Y HỌC … “Nếu con không ngừng làm cái trò mắt lé, con sẽ bị lé luôn đó”

Mẹ tôi đã dạy cho tôi bài học LO XA… “Nếu con không vượt qua được bài tập đánh vần này, con sẽ không bao giờ kiếm được việc làm tốt!”

Mẹ dạy cho tôi bài học về TRI GIÁC NGOẠI CẢM … “Hãy mặc áo len vào; con không nghĩ rằng mẹ biết con lạnh hay sao?”

Mẹ dạy cho tôi đối đầu với THỬ THÁCH… “Con đang nghĩ gì thế? Hãy trả lời khi mẹ hỏi con… đừng cứ lập lại như thế!”

Mẹ dạy cho tôi bài học HÀI HƯỚC… “Khi cái máy xén cỏ cắt đứt những ngón chân cái của con, đừng hòng chạy đến với mẹ.”

Mẹ dạy cho tôi bài học về SỰ TRƯỞNG THÀNH… “Nếu con không ăn rau, con sẽ không bao giờ lớn được”

Mẹ dạy cho tôi bài học về GIỚI TÍNH… “Con nghĩ như thế nào về sự có mặt của con trên đời”

Mẹ dạy cho tôi bài học về DI TRUYỀN HỌC… “Con giống bố con như đúc”

Mẹ dạy cho tôi bài học về CỘI NGUỒN… “Con nghĩ rằng con được sinh ra từ trong kho thóc chắc?”

Mẹ dạy cho tôi bài học về sự THÔNG THÁI của TUỔI TÁC…”Khi con bằng tuổi mẹ con sẽ hiểu”

Mẹ dạy cho tôi bài học về sự MONG CHỜ… “Hãy đợi cho đến khi bố con về đã.”

Mẹ dạy cho tôi bài học về sự THỦ ĐẮC… “Con sắp có được nó khi chúng ta về đến nhà”

Và một bài học mà tôi luôn luôn thích đó là SỰ CÔNG BẰNG “Một ngày kia, khi con có con, mẹ hy vọng rằng chúng sẽ rất giống CON. Lúc đó con sẽ hiểu.

Nhị Tường dịch

(Từ beliefnet)

BÀN TAY CỦA MẸ - BÀI HỌC CỦA CON




Phương Mai sưu tầm

Một thanh niên học hành xuất sắc nộp đơn vào chức vụ quản trị viên cho một công ty lớn.

Anh ta vừa xong buổi phỏng vấn đầu tiên, ông giám đốc phỏng vấn lần cuối để quyết định nhận hay không nhận anh ta.


Viên giám đốc khám phá học bạ của chàng thanh niên, tất cả đều tốt và năm nào, từ bậc trung học đến các chương trình nghiên cứu sau đại học, cũng đều xuất sắc, không năm nào mà anh chàng thanh niên không hoàn thành vượt bực.


Viên giám đốc hỏi “Anh đã được học bổng nào của trường?” Chàng thanh niên đáp “Thưa không”.


Viên giám đốc hỏi “Thế cha anh trả học phí cho anh đi học?” Chàng thanh niên đáp “Cha tôi chết khi tôi vừa mới một tuổi đầu. Mẹ tôi mới là người lo trả học phí”.


Viên giám đốc lại hỏi “Mẹ của anh là việc ở đâu?”


Chàng thanh niên đáp “Mẹ tôi làm việc giặt áo quần”. Viên giám đốc bảo chàng thanh niên đưa đôi bàn tay cho ông ta xem. Chàng thanh niên đưa hai bàn tay mịn màng và hoàn hảo của chàng cho ông giám đốc xem.


Viên giám đốc hỏi “Vậy trước nay anh có bao giờ giúp mẹ giặt giũ áo quần không?”


“Chưa bao giờ, mẹ luôn bảo tôi lo học và đọc thêm nhiều sách. Hơn nữa, mẹ tôi giặt áo quần nhanh hơn tôi.” Chàng thanh niên đáp.


Viên giám đốc dặn chàng thanh niên “Tôi yêu cầu anh một việc. Hôm nay khi trở lại nhà, lau sạch đôi bàn tay của mẹ anh, và rồi ngày mai đến gặp tôi. ”

Chàng thanh niên cảm thấy khả năng được công việc tốt này rất là cao. Khi vừa về đến nhà, chàng ta sung sướng thưa với mẹ để được lau sạch đôi bàn tay của bà. Mẹ chàng cảm thấy có gì đó khác lạ, sung sướng, nhưng với một cảm giác vừa vui mà cũng vừa buồn, bà đưa đôi bàn tay cho con trai xem.

Chàng thanh niên từ từ lau sạch đôi bàn tay của mẹ. Vừa lau, nước mắt chàng tuôn tràn. Đây là lần đầu tiên chàng thanh niên mới khám phá đôi tay mẹ mình, đôi bàn tay nhăn nheo và đầy những vết bầm đen. Những vết bầm làm đau nhức đến nỗi bà đã rùng mình khi được lau bằng nước. Lần đầu tiên trong đời, chàng thanh niên nhận thức ra rằng, chính từ đôi bàn tay giặt quần áo mỗi ngày này đã giúp trả học phí cho chàng.


Những vết bầm trong tôi tay của mẹ là giá mẹ chàng phải trả cho ngày chàng tốt nghiệp, cho những xuất sắc trong học vấn và cho tương lai sẽ tới của chàng.


Sau khi lau sạch đôi tay của mẹ, chàng thanh niên lặng lẽ giặt hết phần áo quần còn lại của mẹ.


Tối đó, hai mẹ con tâm sự với nhau thật là lâu.


Sáng hôm sau, chàng thanh niên tới gặp ông giám đốc.


Viên giám đốc lưu ý những giọt nước mắt chưa ráo hết trong đôi mắt của chàng thanh niên, và hỏi “Anh có thể cho tôi biết những gì anh đã làm và đã học được hôm qua ở nhà không?”


Chàng thanh niên đáp “Tôi lau sạch đôi tay của mẹ, và cũng giặt hết phần áo quần còn lại.” Viên giám đốc hỏi “Cảm tưởng của anh ra sao?”


Chàng thanh niên đáp, “Thứ nhất, bây giờ tôi hiểu thế là ý nghĩa của lòng biết ơn; không có mẹ, tôi không thể thành tựu được như hôm nay.


Thứ hai, qua việc hợp tác với nhau, và qua việc giúp mẹ giặt quần áo, giờ tôi mới ý thức rằng thật khó khăn và gian khổ để hoàn tất công việc.


Thứ ba, tôi biết ơn sự quan trọng và giá trị của quan hệ gia đình.”


Viên giám đốc nói, “Đây là những gì tôi tìm kiếm nơi người sẽ là quản trị viên trong công ty chúng tôi. Tôi muốn tuyển dụng một người biết ơn sự giúp đở của những người khác, một người cảm thông sự chịu đựng của những người khác để hoàn thành nhiệm vụ, và một người không chỉ nghĩ đến tiền bạc là mục đích duy nhất của cuộc đời. Em được nhận.”


Sau đó, chàng thanh niên làm việc hăng say, và nhận được sự kính trọng của các nhân viên dưới quyền. Tất cả nhân viên làm việc kiên trì và hợp tác như một đội. Thành tựu của công ty mỗi ngày được nhiều cải thiện.

Một đứa bé, được che chỡ và có thói quen muốn gì đước nấy, có thể sẽ phát triển “tâm lý đặc quyền” và sẽ luôn nghĩ đến mình trước. Hắn sẽ thờ ơ về các nỗ lực của cha mẹ.

Khi làm việc, hắn giả thiết rằng mọi người phải vâng lời hắn, và khi trở thành một quản trị viên hắn có thể sẽ không bao giờ biết sự chịu đựng của các nhân viên dưới quyền và luôn đổ thừa cho người khác.


Đối với loại người này, có thể học giỏi, có thể thành công một thời gian ngắn nhưng thật sự sẽ không cảm nhận được ý nghĩa của thành tựu. Hắn sẽ cằn nhằn, lòng chất đầy oán ghét và đấu tranh để có được nhiều thứ cho mình. Nếu chúng ta thuộc loại cha mẹ chuyên bao che con cái như thế này, phải chăng chúng ta đang cho chúng thấy tình thương của cha mẹ hay thay vì đang tàn phá chúng?


Bạn có thể cho con cái sống trong những căn nhà lớn, ăn thức ăn ngon, học dương cầm, xem TV màn ảnh rộng. Nhưng khi chúng ta cắt cỏ, xin vui lòng cho chúng làm việc đó. Sau bữa cơm, hãy để chúng rữa chén bát cùng với anh chị em chúng. Không phải vì các bạn không có tiền để mướn người làm trong nhà, nhưng bởi vì bạn nên thương con đúng cách.


Bạn muốn chúng hiểu rằng, bất kể cha mẹ giàu có cỡ nào, một ngày tóc họ cũng sẽ bạc như mẹ của người bạn trẻ kia. Điều quan trọng nhất là con cái của bạn học để biết hơn sự khó khăn, học khả năng cùng làm việc với những người khác để hoàn thành công việc.

Hoạt động từ tháng 11 - 2010 đến tháng 02 - 2011

1. Ngày 21 tháng 11 năm 2010 tham gia cuộc thi: "Nấu ăn mở rộng" do Chi đoàn công nghệ sinh học khóa 10 tổ chức.
        Kết quả: không đạt giải.
2. Ngày 14 tháng 12 năm 2010 tham gia: "Giải bóng đá nam" do Liên chi hội sinh viên Cà Mau tổ chức
        Kết quả: đạt giải nhất.
3. Ngày 16 tháng 12 năm 2010 tham gia: "Giải bóng đá nữ" do Liên chi hội sinh viên Cà Mau tổ chức
        Kết quả: không đạt giải.
4. Ngày 18 tháng 12 năm 2010 tham gia: "Giải bóng chuyền nam" do .Liên chi hội sinh viên Vĩnh Long tổ chức.
        Kết quả: đạt giải ba.

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

Liên kết web

http://www.baoangiang.com.vn/
http://www.angiang.gov.vn/
             Muốn biết thêm về An Giang các bạn hãy đến với http://www.youtube.com/ và nhập "kí sự đôi bờ Vĩnh Tế" hoặc "kí sự vùng biên" huyền thoại về một vùng Thất sơn hùng vĩ, vùng biên giới Tây nam của Tổ quốc với sự phát triển ngày càng phồn thịnh trong thời kì hội nhập, sự gắn kết giữa cư dân Campuchia với cư dân Việt Nam vùng biên giới này....